Tên gọi: Tục Đoạn
Tên khác: Sơn cân thái, Oa thái, Đầu vù (Hmông), Rễ thái, Sâm nam.
Tên khoa học: Dipsacus japonicus Miq.
Họ: Tục đoạn (Dipsacaceae)
I. Đặc điểm của Tục Đoạn
- Cây thuộc thảo, cao 1,5-2m. Thân có 6 cạnh trên cạnh có một hàng gai thưa, càng lên trên càng mau dần, gai quặp trở xuống.
- Lá mọc đối, không có cuống, bẹ ôm lấy cành hoặc thân. Lá non có răng cưa dài, phiến lá nhỏ, thuôn dài, đầu nhọn. Gân lá cách, trên đường gân của mặt dưới có một hàng gai nhỏ cứng, càng lên đầu lá, càng mềm dần. Lá già có phiến lá xẻ sâu, răng cưa mau hơn lá non, phiến lá xẻ cách từ 3-9 thuỳ, gân lá có gai nhỏ như lá non. Cũng có lá nguyên.
- Cụm hoa hình trứng hay hình cầu, cành mang hoa dài 10-20cm, 6 cạnh có lông cứng, càng lên trên càng mau dần. Hoa màu trắng có lá bắc dài 1-2cm.
- Quả bế có 4 cạnh, màu xám trắng còn đài sót lại, dài 5-6mm.
II. Thành phần hóa học
Tục Đoạn có chứa các thành phần hóa học như: Tinh dầu, Tannin, Saponin.
III. Tục Đoạn có tác dụng gì?
Tục đoạn có thành phần gồm tinh dầu, saponin, tannin. Củ khô sắc uống có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, trị mụn nhọt, nhức gân xương, sai khớp, bong gân hoặc phụ nữ hay bị sảy thai, di tinh, bạch đới. Loại dược liệu này thường được dùng làm thuốc bổ toàn thân, xoa dịu cơn đau do bị ngã, chấn thương và an thai, lợi sữa, cầm máu. Liều dùng là 9 – 18g/ngày, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
IV. Các bài thuốc có Tục Đoạn
Tục đoạn được sử dụng trong một số bài thuốc Y Học Cổ Truyền sau đây:
1.Chữa động thai: Chuẩn bị 80g tục đoạn (tẩm rượu), 80g đỗ trọng (tẩm nước gừng rồi sao tới khi đứt tơ), 100g táo đỏ. Tán bột tục đoạn và đỗ trọng, bỏ hạt táo lấy thịt, giã nát rồi trộn bột với đại táo, vo viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 30 viên thuốc với nước cơm. Bài thuốc chữa động thai cho phụ nữ có thai 2 – 3 tháng;
2. Trị đau nhức lưng gối, đau sưng chân tay hoặc gãy xương kín, bong gân: Dùng bài thuốc “tiếp cốt tán” với các vị thuốc gồm: 12g tục đoạn, chích nhũ hương, chích một dược, đồng tự nhiên, thổ miết trùng, cốt toái bổ, huyết kiệt, đương quy, hồng hoa và 8g mộc hương. Đem các vị thuốc tán thành bột mịn, uống 12g/lần, dùng 2 – 3 lần/ngày với nước sôi để nguội hoặc hòa với giấm rượu để đắp ngoài ở chỗ sưng đau;
3. Chữa phụ nữ sau sinh bị nóng rét hoặc phiền muộn: Dùng bài thuốc “tử mẫu bí lục” gồm 40g tục đoạn, sắc với 600ml nước còn 200ml nước thuốc, chia uống 3 lần/ngày;
4. Trị phụ nữ khí hư, bạch đới hoặc động thai, dọa sảy: 12g tục đoạn đương quy, hoàng kỳ, long cốt, xích thạch chỉ, địa du; 16g thục địa; 6g xuyên khung, ngải diệp. Sau đó, đem các vị thuốc tán bột, vo thành viên, mỗi lần uống 8 viên, dùng 2 lần/ngày;
5. Trị can thận suy nhược, đau nhức sống lưng và thắt lưng, đau buốt các khớp xương và chân tay: 12g tục đoạn, ngũ gia bì, ý dĩ nhân, phòng phong, ngưu tất, tỳ giải, bạch truật; 20g thục địa; 8g khương hoạt. Nghiền các vị thuốc thành bột mịn, vo thành viên. Mỗi lần uống 12g, dùng 2 – 3 lần/ngày, uống với nước muối loãng hoặc rượu ấm;
6. Trị đau nhức chân tay do phong thấp: 20g tục đoạn, ngưu tất, tỳ giải, phòng phong, chế xuyên ô. Đem các vị thuốc tán thành bột mịn, luyện với mật thành viên. Mỗi lần uống 8g, dùng 2 lần/ngày với nước sôi để nguội;
7. Bổ can thận, chữa mỏi gân cốt cho người già: 10g tục đoạn, ngưu tất, đỗ trọng, tang ký sinh; 5g câu kỷ tử, đương quy, hà thủ ô, dùng sắc uống trong ngày;
8. Trị đau lưng và chân (thể hư, hàn thấp), mỏi chân gối, gân xương co cứng: 80g tục đoạn, tỳ giải, ngưu tất sao, đỗ trọng, mộc qua. Đem các vị thuốc nghiền thành bột mịn, luyện với mật thành viên, mỗi viên nặng 10g. Mỗi lần uống 1 viên, dùng 2 – 3 lần/ngày, uống cùng với nước nóng hoặc rượu nóng.
V. Lưu ý trước khi sử dụng Tục Đoạn
Theo đông y, cây “Tục Đoạn” có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, trước khi dùng bất kỳ bài thuốc nào, bệnh nhân đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ Y Học Cổ Truyền để dùng đúng thuốc, bệnh và liệu trình điều trị.