Tên gọi: Mạch nha.
Tên gọi khác: Lúa mạch, mầm mạch, hay mầm lúa.
Tên khoa học: Fructus Herdei germinatus.
Họ: Lúa (Poaceae).
I. Đặc điểm của “Mạch nha”
- Đây là một loại cây thảo sống hàng năm, có rễ dạng sợi, thân to, mọc thẳng đứng với chiều cao khoảng 50 – 100cm. Lá mạch nha thẳng, hơi khô ráp và có lưỡi bẹ ngắn. Hoa mạch nha mọc thành cụm, bông có góc cạnh với rất nhiều bông nhỏ. Tất cả đều sinh sản và xếp thành 4 dãy. Các mày dạng dải nhỏ với kích thước gần bằng nhau, hơi hẹp và thon thành râu. Các râu mạch nha mọc thẳng đứng với chiều dài khoảng từ 10 – 20cm. Quả của mạch nha thon, hình trái xoan và có rãnh dọc.
- Phần hạt lúa mạch mì có hình thoi, đường kính khoảng 3 – 4mm và dài 8 – 12mm. Vỏ bên ngoài hạt có màu vàng nhạt, trên lưng hạt có râu dài đã gãy rụng và các mày bao quanh với 5 đường gân. Phía bụng trước của hạt được bao trong mày hoa. Nếu dùng tay bóc bỏ vỏ ngoài sẽ thấy mặt bụng của hạt có một rãnh dọc. Phần dưới có rễ con nhỏ cong queo và mầm non hình mũi mác, dài khoảng 0,5cm. Mạch nha dược liệu có chất cứng, khi bẻ gãy có tinh bột màu trắng vị ngọt, không mùi.
II. Thành phần hóa học
- Trong mạch nha cũng như trong thóc nảy mầm có tinh bột, chất béo, chất protit, đường mantoza, sacaroza, các men amylaza, mantaza, vitamin B, C, lexitin.
III. “Mạch nha” có tác dụng gì?
Theo nghiên cứu, mạch nha chứa một số thành phần có lợi như men chuyển hóa đường, protid, lexitin, vitamin B và C, mantase, amylase,… Xung quanh câu hỏi mạch nha dùng để làm gì, dược lý hiện đại cho rằng:
- Thành phần enzyme amylase và vitamin B có trong mạch nha giúp hỗ trợ tiêu hóa nên có thể dùng điều trị ăn uống khó tiêu. Tuy nhiên khi chế biến thuốc quá nóng sẽ khiến cho hoạt lực của amylase giảm xuống.
- Tác động hạ đường huyết
- Điều trị viêm ruột, kiết lỵ, đau bụng đi ngoài ở trẻ nhỏ
- Lợi sữa.
Lượng độc tố trong mạch nha dược liệu có hàm lượng rất thấp, khi uống cũng khó hấp thu nên không có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên có một số trường hợp sử dụng dược liệu bị nhiễm độc là do mạch nha bị biến chất. Cần lưu ý nấm độc ký sinh ở mầm mạch nha trong giai đoạn thu hoạch và bảo quản. Vì vậy việc chọn mua nguồn dược liệu chất lượng từ cơ sở uy tín là điều rất quan trọng.
Theo Y Học Cổ Truyền, mạch nha dược liệu có nhiều tác dụng, chẳng hạn như: Trị thực tích đình trệ, tiêu hoá không tốt, trị khó tiêu và giải ứ trệ, trục thai chết ra ngoài, làm mạnh chức năng tiêu hóa, bổ tỳ vị hư, chữa sữa ra quá nhiều,…
Đông y cho biết mạch nha có tính khí hơi ôn, vị ngọt mặn, không độc; Qui vào 3 kinh Tỳ, Can và Vị; Nhập túc thái âm, thủ dương minh kinh, dương minh. Thông thường có thể dùng 10 – 15 gram/ngày, nếu cần thiết thì tăng liều cao lên đến 30 – 120 gram, ví dụ như trường hợp cắt giảm sữa. Cách dùng là sắc lấy nước uống, tán thành bột hoặc kết hợp cùng với những vị thuốc khác.
IV. Bài thuốc có chứa “Mạch nha”
Với thành phần hóa học và công hiệu dược lý đa dạng, mạch nha được ứng dụng trong nhiều bài thuốc như:
- Điều trị viêm gan cấp – mạn tính: Rửa sạch rễ non mạch nha đã lên mầm ở nhiệt độ thấp, sấy khô rồi tán thành bột mịn. Sau đó mang bột dược liệu bào chế thành siro uống 10ml/lần x 3 lần/ngày sau bữa ăn. Có thể kết hợp siro mạch nha cùng với vitamin B và sử dụng liên tục trong 1 tháng.
- Điều trị nhiễm nấm: 40g mạch nha sống thêm vào 100ml cồn 75 độ và ngâm trong 7 ngày. Mỗi ngày bôi cồn mạch nha dược liệu vào vùng da nhiễm nấm 2 lần. Sử dụng liên tục trong 30 ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm đáng kể.
- Điều trị sữa quá nhiều: Rửa sạch mạch nha rồi cho vào nồi và sắc thành nước uống. Sử dụng 100 – 200 gram chia thành nhiều lần uống trong ngày.
- Điều trị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn: Rửa sạch 10g mạch nha dược liệu rồi cho vào chảo và sao qua. Sau đó cho vào nồi cùng với 10g sinh sơn tra và 400ml nước lọc. Sắc thuốc với lửa nhỏ cho tới khi lượng nước chỉ còn một nửa. Chắt lấy nước và chia thành 2 làm uống trong ngày. Dùng mỗi ngày 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.
- Điều trị khó tiêu với biểu hiện chướng bụng, chán ăn, thượng vị: Rửa sạch mạch nha, kê nội cân, sơn tra và thần khúc với liều lượng bằng nhau, cho tất cả vào nồi. Thêm nước lọc và sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút. Chắt lấy phần nước và dùng khi còn ấm. Sử dụng mỗi ngày 1 thang.
V. Những lưu ý khi sử dụng “Mạch nha”
- Lưu ý phụ nữ đang cho con bú không được sử dụng mạch nha dược liệu. Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh chỉ nên dùng các bài thuốc có mạch nha theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.