Tên gọi: Thỏ Ty Tử
Tên khác: Tơ hồng, Thỏ ty tử, Miễn từ, Đậu ký sinh, Hạt cây tơ hồng.
Tên khoa học: Cuscuta sinensis Lam.
Họ: Bìm bìm (Convolvulaceae)
I. Đặc điểm của Thỏ Ty Tử
- Cây tơ hồng hay dây tơ hồng là một loại dây ký sinh cuốn trên các cây khác, thân thành sợi màu vàng hay đỏ nâu nhạt, không có lá. Lá biến thành vẩy, cây có rễ mút để hút các thức ăn từ cây chủ.
- Hoa ít thấy, hình cầu màu trắng nhạt, gần như không có cuống, tụ thành 10-20 hoa một. Quả hình cầu, chiều ngang rộng hơn chiều cao, rộng độ 3mm, nứt từ dưới lên. Hạt 2 đến 4, hình trứng, hình dẹt, dài chứng 2mm.
- Tại miền Bắc hay gặp nó ký sinh trên cây cúc tần Pluchea indica thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây tơ hồng mọc khắp nơi ở nước ta nhưng thường ít dùng hạt, ta thường hái cả cây phơi khô. Hạt cây tơ hồng tức là vị thỏ ty tử thì ta vẫn phải nhập của Trung Quốc.
- Thỏ ty tử chế muối: phun nước muối nên dược liệu sạch, trộn đều cho hạt ngấm nước, sao nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra để nguội. Cứ 100kg dược liệu/2kg muối.
II. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong hạt dây tơ hồng chứa Alkaloid (cuscutamin), Lignan (cuscutosid A, cuscutosid B, arbutin, acid clorogenic, acid cafeic, flavonoid (quercetin, astragalin, hyperin,…), acid p. coumaric, dầu béo chứa 9 acid béo.
III. Thỏ Ty Tử có tác dụng gì?
- Thỏ ty tử tính bình, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận. Có công hiệu bổ gan bổ thận, ích tinh, chữa suy nhược thần kinh, lợi tiểu, an thai, sáng mắt, cầm tiêu chảy. Phù hợp với những người liệt dương, di tinh, đái dắt, đái són, lưng đau gối mỏi, ù tai, hoa mắt, nhức đầu.
- Theo các nghiên cứu hiện đại, thỏ ty tử có hàm chứa đường, chất béo thực vật, chất kích thích ngũ cốc, tinh bột, vitamin A… có thể tăng cường sức co bóp của tim, làm hạ huyết áp, giảm bớt dung tích của lá lách, ức chế nhu động ruột, tăng co bóp tử cung, lại có thể tăng nhanh sự hình thành các kháng thể…
IV. Các bài thuốc có Thỏ Ty Tử
Thỏ Ty Tử được sử dụng trong một số bài thuốc sau đây:
- Trà thỏ ty tử
Thành phần: Thỏ ty tử 10g, tẩm sao, tán bột, đánh 1 quả trứng gà vào, rán lên ăn.
Công dụng: Dùng cho người can huyết bất túc, thị lực kém, nhìn vật không rõ.
- Thỏ ty tử chúc (cháo thỏ ty tử)
Thành phần: Thỏ ty tử 30g, gạo lức 60g. Thỏ ty tử giã nát, sắc lấy nước, cho gạo vào nước sắc tho ty tử nấu cháo, thêm đường vừa đủ, chia ăn trong ngày.
Công dụng: Trị chứng thận hư, di tinh, xuất tinh sớm, lưng đau gối mỏi, nhức đầu, đi tiểu nhiều…
- Thỏ ty tử, phụ tử hoàn (viên thỏ ty tử, phụ tử)
Thành phần: Thỏ ty tử 100g, phụ tử 120g. Nghiền chung thành bột mịn, hồ rượu vào làm thành viên, to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 50 viên với rượu.
Công dụng: Bổ thận khí, khoẻ dương đạo, bổ trợ tinh thần, nhẹ mình, nhẹ chân tay.
V. Lưu ý trước khi sử dụng Thỏ Ty Tử
Thỏ ty tử là một vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền. Vị thuốc này đã được chứng minh hiệu quả trên nhiều phương diện. Trước khi sử dụng thỏ ty tử và các bài thuốc có chứa nó, bạn cần đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán phù hợp. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị thuốc này.