Tên gọi: Hoài sơn, củ mài.
Tên khác: Khoai mài, sơn dược, chính hoài.
Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burk.
Họ: Củ nâu (Dioscoreaceae)
I. Đặc điểm của Hoài Sơn
- Hoài sơn là một dây leo có 1–2 rễ củ mập, hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài chừng 30–50cm (có thể đến 1m), ăn sâu xuống đất.
- Thân cây nhẵn, hơi có cạnh, đôi khi có màu đỏ, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là thiên hoài. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim dài, đầu nhọn. Cuống lá dài khoảng 1,5–3cm.
- Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng. Hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả nang có 3 cánh. Khi quả khô, cây không còn lá, hạt có cánh mỏng màu nâu xỉn.
- Mùa hoa vào tháng 5–7 và mùa quả khoảng tháng 8–10.
II. Thành phần hóa học
- Trong hoài sơn chứa chủ yếu là tinh bột. Ngoài ra, còn có mucin (một loại protein nhớt), allantoin, các axit amin như arginin, cholin và enzyme maltase.
- Về giá trị dinh dưỡng, trong củ mài có 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất đạm. Đây là một nguồn dinh dưỡng cao, đứng sau gạo và ngô.
III. Hoài Sơn có tác dụng gì?
- Theo Y Học Cổ Truyền, hoài sơn vị ngọt, tính bình, tác dụng củ hoài sơn là bổ tỳ vị, ích tâm phế và bổ thận. Thường được dùng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, lỵ, tiêu khát, thận suy, mỏi lưng, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm,…
- Theo nhiều nghiên cứu cho thấy được trong củ mài có chứa khoảng 63.25% tinh bột, 0.45% lipid, 6.75% protein và 2-2.8% chất nhầy. Ngoài ra, dược liệu này còn có thêm các thành phần khác, chẳng hạn như dioscin, allantoin, saponin có nhân sterol, cholin cùng hàng loạt các axit amin, các men oxy hóa, vitamin C và các nguyên tố vi lượng khác.
- Hoài sơn được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc thảo dược hoặc thực phẩm có lợi ích cho sức khỏe tiềm năng. Các thành phần chính của Hoài sơn được biết đến là saponin, sapogenin, tinh bột, dẫn xuất purine và chất nhầy. Chiết xuất Hoài sơn với liều 900 mg trên một ngày kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu.
IV. Các bài thuốc có Hoài Sơn
- Bài thuốc trị chứng tiêu chảy kéo dài
- Bài thuốc 1
Dùng bạch truật, đảng sâm, chích cam thảo, sơn dược và bạch linh mỗi vị 80g, trần bì 30g, sa nhân, liên nhục, ý dĩ nhân và cát cánh mỗi vị 40g, sao biển đậu 60g. Đem các vị tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần dùng 8 – 12g uống với nước sôi để nguội. Nếu dùng cho trẻ em nên gia giảm liều lượng.
- Bài thuốc 2
Ý dĩ nhân 10g, sơn dược 15g và 1 gan gà (cắt nhỏ). Đem các dược liệu tán thành bột mịn, sau đó trộn với gan gà, thêm ít giấm và đem hấp cơm. Chia thành 2 lần ăn (sáng – tối).
- Bài thuốc 3
Gạo tẻ từ 50 đến 100g và hoài sơn 40 đến 80g. Đem gạo tẻ sao hơi vàng, rồi cho dược liệu vào sắc uống.
- Bài thuốc 4
Sa nhân, trần bì mỗi vị 20g, hoài sơn, ý dĩ nhân và bạch biển đậu đều sao mỗi vị 200g, liên nhục (bỏ tim) và cốc nha mỗi vị 100g, nhục đậu khấu 30g. Đem sa nhân, trần bì và nhục đậu khấu sắc lấy nước, các vị còn lại tán bột mịn và hòa với nước sắc uống cùng với ít mật.
2. Bài thuốc trị chứng viêm phế quản mãn tính
- Bài thuốc 1
Thổ bối mẫu, chích cam thảo và bắc hạnh nhân mỗi vị 10g, bách hợp, mạch môn và phục linh mỗi vị 12g, đảng sâm và sơn dược mỗi vị 16g. Đem các vị sắc lấy nước để uống.
- Bài thuốc 2
Sơn dược sống 100 – 200g, sau đó sắc lấy nước uống thay trà.
3. Bài thuốc trị chứng bạch đới ở nữ giới và di tinh ở nam giới
- Chuẩn bị: Cam thảo 4g, ngũ vị tử và viễn chí mỗi thứ 6g, đảng sâm, hoài sơn, kim anh, táo nhân, bạch truật, khiếm thực và phục linh mỗi vị 12g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
4. Bài thuốc trị chứng tiểu đường
- Bài thuốc 1
Thiên hoa phấn 12g, hoài sơn 20g, hoàng kỳ 16g, ngũ vị tử 6g, kê nội kim 8g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc 2
Tri mẫu, cát căn, hoàng kỳ và hoa phấn mỗi vị 12g, ngũ vị tử 6g, kê nội kim 8g, sơn dược 24g. Đem sắc uống ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3
Thiên hoa phấn, phúc bồn tử và mạch môn mỗi vị 12g, hoài sơn 30g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
V. Lưu ý trước khi sử dụng Hoài Sơn
Với vị ngọt và tính bình của hoài sơn dược liệu là bài thuốc hiệu quả trong điều trị các bệnh như: Đái tháo đường, tiêu chảy, thận hư, hoa mắt, chóng mặt,… Tuy nhiên, tự ý sử dụng hoài sơn có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Vì thế, điều chỉnh liều lượng sử dụng phù hợp với mỗi người phải cần phải có hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc.