Tên gọi: Đại Hồi.
Tên gọi khác: Bác giác hồi hương, Đại hồi hương, Hồi, Tai vị.
Tên khoa học: Illicium verum.
Họ: Hồi (Illiciaceae)
I. Đặc điểm của “Đại Hồi”
- Đại hồi là cây nhỡ thân gỗ, sống lâu năm, cao khoảng 6 – 10 m, cây nhân thành nhiều nhánh. Cành Hồi khi non có màu xanh lục, về già có màu nâu, vỏ nhẵn, giòn, dễ gãy.
- Lá cây mọc so le, dài khoảng 8 – 12 cm, rộng 3 – 4 cm, phiến lá dày, cứng, nhẵn. Hoa Hồi mọc ở nách lá, cuống ngắn và khá to. Quả Hồi kép, mỗi quả gồm 6 – 8 đại (cánh), xếp thành hình ngôi sao hoặc bông hoa. Đường kính quả trùng bình 2.5 – 3 cm, dày 6 – 10 mm. Khi còn non, quả màu xanh, lúc về già chuyển sang màu nâu, đầu quả có mũi nhọn. Khi chín, ở đầu mỗi đại (cánh) sẽ nứt ra làm đôi, để lộ hạt màu nâu nhạt, bóng nhẵn bên trong.
II. Thành phần hóa học
Theo một số nghiên cứu, trong Đại hồi có chứa một số thành phần như:
- Chất nhầy
- Đường
- Tinh dầu 3 – 3.5% (tươi) hoặc 9 – 10% (khô)
Tinh dầu Hồi là chất lỏng màu vàng nhạt hoặc không có màu. Lá, cành, hoa và quả Hồi đều có chứa tinh dầu với nồng độ khác nhau. Thành phần chính trong tinh dầu bao gồm:
- Anethol 80 – 90%
- Tecpineola
- Tecpen
- Estragola
- Safrola
- Dipenten
- Limomem
III. “Đại Hồi” có tác dụng gì?
Theo nghiên cứu của y học hiện đại:
- Hỗ trợ làm tăng nhu động ruột, hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng.
- Cải thiện tình trạng đau bụng, đau dạ dày, tăng tiết dịch tiêu hóa.
- Tăng cường tiết dịch đường hô hấp, kích thích các tế bào dịch, hỗ trợ làm thuốc hóa đàm.
- Ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn gây viêm phổi, trực bạch hầu, thường hàn, trực khuẩn Subtilis.
- Ức chế hoạt động và sự phát triển của một số loại nấm gây bệnh ngoài da.
- Hỗ trợ tăng tiết sữa.
- Dùng làm chất tạo mùi thơm trong các loại thuốc đánh răng, nước súc miệng.
Theo y học cổ truyền:
- Khứ hàn, khai vị, kiện tỳ
- Tán hàn, ấm can, chỉ thống, ôn thận, lý khí khai vị
Trong Đông y, Bát giác hồi hương được sử dụng để điều trị một số bệnh lý như:
- Đầy hơi, chướng bụng, chữa đau bụng
- Cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa
- Điều trị thấp khớp, viêm đau khớp, đau nhức xương khớp, phong tê thấp
- Hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn
- Hỗ trợ giảm đau, sát trùng, chống viêm, cải thiện tình trạng ngộ độc thực phẩm
- Điều trị chứng đái dầm ở người lớn và trẻ em
- Điều trị ghẻ nước, nấm da và một số bệnh lý ngoài da.
IV. Các bài thuốc có “Đại Hồi”
1. Điều trị hàn sán, vùng bụng và khu vực rốn quặn đau, dịch hoàn sưng
Dùng Bát giác hồi hương (sao với muối), Mộc hương, Xuyên luyện tử, Sa sâm, mỗi vị đều 40 g. Tán các loại dược liệu thành bột, gia thêm mật, làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt ngô.
Mỗi ngày dùng uống 12 – 16 g với rượu nhạt hoặc nước sôi pha với muối loãng. Tình trạng bệnh nhẹ chỉ cần dùng uống 1 liều là khỏi, bệnh nghiêm trọng có thể uống thêm liều thứ hai.
2. Hỗ trợ cải thiện tình trạng tụt huyết áp, trụy mạch, choáng váng
Dùng Đại hồi, Gừng tươi, Gừng khô, Nhục quế, mỗi vị đều 4 g, sắc thành thuốc, dùng uống.
3. Cải thiện tình trạng hôi miệng
Sử dụng hoa Hồi tươi, nhai nuốt. Mỗi ngày một lần, mỗi lần vài cánh.
4. Điều trị đau răng, viêm lợi, sưng đau nướu
Dùng Bát giác hồi hương, Kê nội kim (màng mề gà) đốt tồn tính, mỗi vị đều 10 g, Phèn phi (dạng bột) 30 g. Tán cả 3 vị thuốc thành bột mịn, trộn đều, cho vào lọ, đậy kín, bảo quản để dùng dần.
Khi cần dùng, thoa bột vào chỗ răng sâu, viêm lợi, chảy máu.
5. Điều trị cổ trướng hoặc phù thũng mạn tính
Sử dụng Hồi hương 2 g và hạt Bìm bìm 8 g, tán thành bột mịn, trộn đều, chia thành 2 – 3 lần, dùng uống trong ngày. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, liên tục trong 3 – 4 ngày.
6. Điều trị tình trạng đi ngoài không thuận tiện
Dùng Hồi hương 4 – 8 g sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.
7. Cải thiện tình trạng đau lưng
Dùng Đại hồi (bỏ phần hạt) tẩm với nước muối, sao khô, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 6 – 10 g uống với rượu nhạt.
Bên cạnh đó có thể dùng lá Ngải cứu hơ nóng, chườm vào phần lưng đau để hỗ trợ cải thiện tình trạng.
8. Điều trị tình trạng ăn uống khó tiêu, thường hay nôn mửa, đau nhức cơ thể
Sử dụng Đại hồi 4 – 8 g sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày.
9. Chữa thấp khớp
Dùng Đại hồi, phân lượng vừa đủ nấu hoặc hãm với nước sôi, dùng uống như trà.
10. Trị sa ruột, đau bụng, sa tinh hoàn
Dùng Bát giác hồi hương, Lệ chi hạch (hạt vải) sao đen, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 8 g với rượu ấm.
11. Điều trị hàn thấp gây chứng ho bạch đới
Dùng Bát giác hồi hương 12 g, Can khương 8 g, sắc thành nước, sau đó pha với đường đỏ, dùng uống mỗi ngày một thang.
V. Lưu ý trước khi sử dụng “Đại Hồi”
Một số lưu ý khi sử dụng đại hồi trong điều trị như sau:
- Đại hồi không được sử dụng ở những đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần trong dược liệu này.
- Dược liệu đại hồi không được sử dụng trong điều trị ở người bệnh bị âm hư, hỏa vượng.
- Bạn không được tự ý thay đổi liều lượng các bài thuốc, không lạm dụng đại hồi trong điều trị. Sử dụng liều quá cao dược liệu này có thể gây ngộ độc với biểu hiện run tay chân, sung huyết não, phổi và co giật..
- Chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng đại hồi là an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu này cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.