Tên gọi: Trần bì.
Tên gọi khác: thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), quyết, quýt, hoàng quyết.
Tên khoa học: Pericarpium Citri Reticulatae
Họ: Cam (Rutaceae).
I. Đặc điểm của “Trần bì”
- Trần bì còn có tên khác là thanh bì (làm từ vỏ quýt xanh), trần bì (vỏ quýt chín), quyết, quýt, hoàng quyết. Tên khoa học: Pericarpium Citri Reticulatae. Vỏ thường cuốn lại hoặc quăn, dày khoảng 0,1 – 0,15 cm. Mặt ngoài vỏ có màu nâu nhạt hoặc vàng nâu, có nhiều chấm sẫm hoặc lõm xuống. Mặt trong xốp có màu hồng nhạt hoặc trắng ngà. Vỏ giòn và nhẹ, có mùi thơm, vị cay. Bộ phận dùng làm thuốc: vỏ quả chín
- Trần bì được bào chế theo cách như rửa sạch và phơi khô. Có thể dùng sống hoặc sao vàng. Còn theo phương pháp bào chế, trần bì đem rửa sạch nhưng rửa không lâu. Sau đó, lau và cạo sạch phía bên trong rồi thái nhỏ và phơi nắng cho đến khô. Hoặc cũng có thể tẩm mật ong hoặc muối rồi sao qua. Tùy thuộc theo bài thuốc và loại bệnh mà cách chế biến khác nhau. Bảo quản trần bì ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo và tránh ánh sáng trực tiếp.
II. Thành phần hóa học
Trần bì chứa khoảng 1,5 – 2% tinh dầu, trong đó có các thành phần chính như Cryptoxanthin, Limolene, Vitamin B1 và C, Elemene, Hesperidin, Iopropenyl-toluene, Beta-sesqui-phellandrene, Caroten, Copaneme, Anpha-humulenol acetate.
III. “Trần bì” có tác dụng gì?
– Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng đối với cơ trơn của ruột và dạ dày: tinh dầu trần bì có công dụng kích thích đường tiêu hóa, giúp ruột bài khí tích trệ ra ngoài một cách dễ dàng. Đồng thời giúp tăng tiết dịch vị và làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột.
+ Tác dụng chống loét và kháng viêm: thành phần hóa học chứa trong trần bì bao gồm A-Humulenol acetat và Humulene có tác dụng giống như vitamin P. Nếu đem chích Humulene vào ổ bụng của chuột nhắt với liều 170 – 250 mg/kg, giúp làm giảm tính thẩm thấy của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng. Với liều 10 mg Humulene còn có công dụng kháng histamin. Còn hoạt chất A-Humulenol có tác dụng làm giảm sự điều tiết dịch vị dạ dày, hạn chế tình trạng viêm loét ở dạ dày.
+ Công dụng bình suyễn, khu đàm: thành phần hóa học trong trần bì được xem là thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp, giúp làm tăng tiết dịch và loãng đờm. Bên cạnh đó, xuyên trần bì có tác dụng làm giãn phế quản và hạ cơn hen. Sử dụng dịch cồn chiết xuất từ quất bì có thể ngăn chặn cơn co thắt phế quản ở chuột lang do histamin gây ra.
+ Tác dụng kháng khuẩn: trần bì có tác dụng ức chế sự sinh trường của các chủng khuẩn như trực khuẩn dung huyết hoặc ái huyết, tụ cầu khuẩn.
+ Công dụng đối với hệ tim mạch: nước sắc của trần bì tươi hoặc dịch chiết của trần bì với cồn ở liều lượng bình thường có tác dụng hưng phấn tim. Nếu dùng ở liều lượng lớn có công dụng ức chế. Tiêm dịch chiết vào tĩnh mạch của chó và thỏ thấy có tác dụng làm tăng huyết áp nhưng khi bơm vào dạ dày không có tác dụng trị liệu.
IV. Bài thuốc có chứa “Trần bì”
1. Chữa đầy bụng khó tiêu: Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15 – 20 phút là có thể dùng được. Chú ý chỉ uống nước lúc còn đang nóng, bỏ bã.
2. Trị tiêu hóa rối loạn do ăn uống, không tiêu: Trần bì, thương truật, hậu phác, sinh khương, mỗi vị 10g; thảo quả (nướng) 6g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng khoảng 5 ngày.
3. Hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn: Trần bì 3g, hồ tiêu 3g, riềng 6g, gà trống 1 con khoảng 1kg. Cách làm: Gà làm sạch, chặt miếng nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải xô. Cho tất cả vào nồi, thêm nước, gia vị, đun nhỏ lửa, hầm nhừ, chia 2 – 3 lần, ăn trong ngày. Tuần ăn 2 – 3 lần.
4. Trị ho viêm họng, viêm phế quản nhẹ: Trần bì 6g, cát cánh 6g, tô diệp 6g, cam thảo 4g, sắc uống trong ngày.
5. Trị ho mất tiếng: Trần bì 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml thêm đường đủ ngọt, chia uống nhiều lần trong ngày.
6. Trị ho có đờm (do cảm hàn): Trần bì 6g, bạch linh 12g, khương bán hạ 6g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống ngày 1 thang.
7. Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng: Trần bì 20g, hương phụ (sao dấm) 15g, thịt gà 100g. Sắc trần bì, hương phụ (lấy nước bỏ bã), kho với thịt gà đã rửa sạch, thái lát cho đến khi cạn nước, cho thêm gừng tươi (đập vụn), hành, gia vị, đảo đều.
Hoặc: Trần bì 15 – 20g, gạo tẻ 150g. Sắc hoặc hãm trần bì lấy nước, đem nước sắc được nấu với gạo thành cháo, khi ăn thêm chút đường, muối gia vị, tùy theo khẩu vị. Dùng cho người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, trướng bụng đầy hơi, đau vùng thượng vị, buồn nôn…
V. Những lưu ý khi sử dụng “Trần bì”
- Không dùng cho trường hợp ho khan do âm hư, thực nhiệt, thổ huyết, khí hư
- Không dùng cho trường hợp không có thấp, không có đờm, không ứ trệ
- Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước sử dụng.