Tên gọi: Xà Sàng.
Tên gọi khác: Cây giần sàng.
Tên khoa học: Cnidium monnieri.
Họ: Umbelliferae ( Hoa tán )
I. Đặc điểm của Xà Sàng
- Cây xà sàng là một loại thực vật có hoa thuộc họ Hoa tán. Cây cao khoảng 0.4 – 1 mét. Thân cỏ mềm, có vạch dọc. Lá cây xẻ lông chim, có bẹ ngắn ôm vào thân. Hoa mọc thành tán gồm nhiều hoa nhỏ li ti. Nụ hoa có màu xanh, khi nở bung thì hoa có màu trắng. Nhìn từ trên cao xuống, cụm hoa trông giống với cái giần hay dùng để sàng gạo. Do đó, xà sàng còn được gọi là cây giần sàng. Quả nhỏ, chia thành nhiều múi, vò màu nâu nhạt.
- Ở nước ta, cây xà sàng mọc hoang như cỏ dại. Loại cây này được tìm thấy nhiều ở miền Bắc, từ Nghệ An trở ra.
II. Thành phần hóa học
Phân tích thành phần của quả xà sàng thu được 1,3% là tinh dầu. Chất này có mùi hắc, bao gồm nhiều hoạt chất như:
- L.pinen
- Bocnylisovalerianat
- Camphen
- Ostala (công thức C15H16O3)
- Axit béo không no
- Glyxerin
III. Xà Sàng có tác dụng gì?
Cho đến nay, đã có hơn 350 hợp chất đã được phân lập và xác định từ cây xà sàng. Các nghiên cứu in vitro và in vivo cho thấy rằng osthole và các hợp chất coumarin khác có nhiều đặc tính dược lý để điều trị bộ phận sinh dục nữ, bất lực ở nam, các bệnh liên quan đến da và có tác dụng chống ngứa, chống dị ứng, kháng khuẩn, kháng nấm mạnh, tác dụng chống loãng xương.
Theo nghiên cứu hiện đại:
- Trên hệ hô hấp: chiết xuất từ xà sàng tử ghi nhận tác dụng cắt cơn hen, tiêu đờm, làm giãn nở các cơ trong phế quản.
- Trên hệ tuần hoàn: ổn định nhịp tim và hạ huyết áp ở những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp.
- Trên hệ miễn dịch: xà sàng tử có khả năng cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch
- Kháng khuẩn: Chất chiết xuất từ xà sàng tử được chứng minh có khả năng ức chế sự sinh trưởng của tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn mủ xanh, nấm microsporum, epidermophyton – nguyên nhân gây lở ngứa ngoài da.
- Trên hệ thần kinh trung ương: Xà sàng tử giúp tăng khả năng hoạt động của não bộ, giảm đau thần kinh nhờ tác dụng gây tê cục bộ.
- Trên hệ xương khớp: Ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Theo Đông y:
Xà sàng tử có vị cay đắng, tính bình, quy kinh thận và tam tiêu, có công dụng bổ thận, cường dương, làm mạnh gân xương, tử phong táo thấp. Xà sàng từ được dùng trong chủ trị liệt dương, yếu sinh lý, ẩm ngứa ở cơ quan sinh dục, tử cung lạnh ở phụ nữ, khí hư, bệnh trĩ, viêm âm đạo do nấm, xích bạch đới.
IV. Các bài thuốc có Xà Sàng
1. Chữa chàm, viêm da
- Dùng độc vị xà sàng tử 60g, hoặc dùng xà sàng tử, kinh giới, phòng phong, đảng sâm – mỗi thứ 15g; sắc lấy nước, tẩm bông gạc đắp lên vùng da bị chàm hoặc viêm nhiễm.
2. Chữa chàm ở trẻ nhỏ, vết chàm bị viêm loét, chảy mủ
- Xà sàng tử tán thành bột mịn, trộn đều với vaseline thành một thứ cao mềm; bôi vào nơi tổn thương.
3. Chữa nam giới “dương bất khởi” (liệt dương)
- Xà sàng tử, ngũ vị tử, thỏ ty tử – 3 thứ liều lượng bằng nhau; nghiền mịn, hoàn với mật thành viên bằng cỡ hạt ngô; ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-7g.
4. Nam giới liệt dương, phụ nữ không thể thụ thai
- Xà sàng tử 10g, dâm dương hoắc 8g, sơn thù 10g, tiểu hồi hương 2g; nước 600ml, sắc còn 200ml, chia ra 3 lần uống trong ngày.
- Hoặc dùng bài: Xà sàng tử 12g, ba kích 12g, ngũ vị tử 8g, phá cố chỉ 8g, nhục quế 8g; tất cả tán thành bột mịn, có thể làm thành viên; mỗi ngày uống 24g, dùng nước sắc dây tơ hồng (sao vàng) 30g làm thang.
5. Ngọc hành sưng to như dùi trống
- Xà sàng tử tán thành bột mịn, hòa với lòng trắng trứng gà, đắp vào chỗ sưng đau, khô lại đắp thứ mới (“Nam dược thần hiệu” – Tuệ Tĩnh).
6. Chữa âm đạo hay bộ phận sinh dục lở ngứa
- Xà sàng tử 30g, bạch phàn 6g; sắc nước rửa (“Tần Hồ tập giản phương” – Lý Thời Trân).
7. Chữa viêm âm đạo do trùng roi
- Xà sàng tử 30g, hoàng bá 9g; tất cả tán thành bột mịn, trộn với glycerogelatin làm thành thuốc đĩnh 2g (mỗi thỏi nặng 2g); mỗi ngày đặt 1 thỏi vào âm đạo (“Trung thảo dược tân y liệu pháp tư liệu tuyển biên”).
V. Lưu ý trước khi sử dụng Xà Sàng
Lưu ý xà sàng tử hơi độc. Vì vậy cần bào chế dược liệu đúng cách, sử dụng đúng mục đích, liều lượng và có sự giám sát thầy thuốc đông y trong suốt quá trình điều trị nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.