Vị thuốc từ cây Kim Ngân Hoa

I. Đặc điểm cây Kim Ngân Hoa

Cây kim ngân hoa hay còn được gọi là nhẫn đông, họ kim ngân, là một loại cây leo bằng thân quấn, cành non có lớp lông bao phủ sau nhẵn và màu hơi đỏ có vân. Lá cây kim ngân hoa dược liệu mọc đối, hình mũi mác, cụm hoa mọc ở tận cùng kẽ các lá thành xim hai hoa.

Nụ hoa hình ống hơi cong queo, dài 1 cm đến 5 cm, đầu to, đường kính khoảng 0,2 cm đến 0,5 cm. Mặt ngoài màu vàng đến nâu, phủ đầy lông ngắn. Phía dưới ống tràng có 5 lá đài nhỏ, màu lục. Bóp mạnh đầu nụ sẽ thấy 5 nhị và 1 vòi nhụy. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Hoa đã nở dài từ 2 cm đến 5 cm, tràng chia thành 2 môi cuộn ngược lại. Môi trên xẻ thành 4 thùy, môi dưới nguyên. Nhị và vòi nhụy thường thò ra ngoài tràng hoa.

Kim ngân hoa được phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh,… Hiện nay, ngoài mọc hoang dại, cây kim ngân hoa đã được trồng ở nhiều nơi để lấy nguyên liệu làm thuốc, vị thuốc là hoa và dây kim ngân.

II. Thành phần hóa học của Kim Ngân Hoa

Hoa kim ngân chứa flavonoid, tinh dầu và một số thành phần khác:

  • Nhóm Flavonoid: Luteolin, luteolin-7-glucoside.
  • Tinh dầu: α-pinen, hex-1-en, hex-3-en-1-ol, cis và trans-2-methyl-2-vinyl-5-(α-hydroxy isopropyl)-tetrahydrofuran, geraniol, α-terpineol, alcol β-phenyl ethylic, carvacrol, eugenol, linalol, 2,6,6-trimethyl-2-vinyl-hydroxy tetra hydrydropyran.

III. Cây Kim Ngân Hoa có tác dụng gì?

Nước sắc hoa kim ngân có rất nhiều tác dụng tốt bao gồm:

  • Làm tăng đường huyết (thỏ)
  • Tác dụng chống choáng phản vệ
  • Ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: bạch hầu, E. coli, lỵ Shiga, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn, dịch hạch, liên cầu khuẩn tan máu,…

Theo Y Học Cổ Truyền, tác dụng của kim ngân hoa giúp thanh nhiệt giải độc, thanh giải biểu nhiệt, thanh thấp nhiệt. Thường được sử dụng trong điều trị các bệnh mụn nhọt, nhọt vú, nhọt trong ruột, đinh độc, dị ứng và mẩn ngứa. Ngoài ra, kim ngân hoa còn được sử dụng để điều trị ngoại cảm phong nhiệt, sưng đau hầu họng, viêm amiđan, đau mắt đỏ, sốt nóng ở thời kỳ đầu, điều trị bệnh lỵ, hoặc tiểu tiện ra máu.

Liều dùng kim ngân hoa trong điều trị bệnh bao gồm: ngày 12-20g (hoa), 12-16g (dây kim ngân), dạng thuốc hãm hoặc sắc. Bệnh nhân ở thể hư hàn hoặc đối với những trường hợp có mọc mụn nhọt đã có mủ vỡ loét thì không nên dùng kim ngân hoa. Ngoài ra, dây kim ngân còn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tuy nhiên yếu hơn hoa kim ngân giúp lưu thông kinh lạc, dùng điều trị các cơn đau nhức gân và cơ.

IV. Các bài thuốc có chứa thành phần Kim Ngân Hoa

  • Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng:

Kim ngân hoa 6g  hoặc 12g (cành và lá), nước 100 ml, sắc còn 10 ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống bịt kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15 phút đến nửa giờ là uống được. Người lớn: ngày uống 2 đến 4 liều trên 2-4 ống, trẻ em từ 1 đến 2 điều 1-2 ống.

  • Chữa viêm gan mãn tính (hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm):

Kim ngân hoa 16g, nhân trần 20g, hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì, mộc thông, mỗi vị 12g, phục linh, trư linh, đậu khấu, mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị)

Kim ngân hoa 20g, thạch cao 40g, tri mẫu, tang chi, ngạnh mễ, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g; thương truật 8g; quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa sốt xuất huyết:

Kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hoa hòe, mỗi vị 16g; liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 12g; chi tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu khát nước, thêm huyền sâm sinh địa, mỗi vị 12g; sốt cao thêm chi mẫu 8g.

  • Chữa mụn nhọt:

Kim ngân hoa 20g; bồ công anh 16g; liên kiều, hoàng cầm, gai bồ kết, mỗi vị 12g; bối mẫu 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm phổi trẻ:

Kim ngân hoa 16g; thạch cao 20g; tang bạch bì 8g; tri mẫu, hoàng liên, liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống.

  • Chữa viêm phần phụ cấp tính:

Kim ngân, liên kiều, tỳ giải, ý dĩ, mỗi vị 16g; hoàng bá, hoàng liên, mã đề, nga truật, mỗi vị 12g; uất kim, tam lăng, mỗi vị 8g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.

V. Lưu ý trước khi sử dụng Kim Ngân Hoa

Lá kim ngân chứa saponin. Đây là một loại độc chất nhưng cơ thể kém hấp thu chất này, vì vậy hầu như không gây hại. Saponin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm phổ biến như một số loại đậu. Để an toàn tuyệt đối, bạn hãy nấu chín kỹ, sau đó đổ nước ban đầu đi và nấu lại một lần nữa. Đây là cách để loại bỏ saponin ra khỏi bài thuốc.

Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ nếu:

  • Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây kim ngân hoặc các loại thuốc, thảo mộc khác
  • Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác
  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ yếu tố nào như: thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay lông động vật…

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng cây kim ngân với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *