Tên gọi: hoàng kỳ, hoàng kỳ mạc giáp
Tên gọi khác: Miên Hoàng Kỳ, Khẩu Kỳ, Bắc Kỳ Và Tiễn Kỳ.
Tên khoa học: Astragalus Propinquus
Tên tiếng Anh: Mongolian Milkvetch
I. Mô tả dược liệu Hoàng Kỳ
Mô tả: Hoàng kỳ là một cây thuốc mọc hoang tại Trung Quốc, ưa những nơi đất cát, thoát nước tốt. Cho đến nay nước ta vẫn phải nhập hoàng kỳ của Trung Quốc.
Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus (Fish) Bunge): Đây là loại sống lâu năm, cao 50 – 80cm, rễ cái dài và mọc sâu, rất khó bẻ, đường kính 1 – 3cm, vỏ ngoài màu vàng đỏ hay nâu. Thân cây mọc thẳng, phía trên có chia nhiều cành. Lá kép, mọc so le, dìa lẻ, lá kèm hình 3 cạnh, có từ 6 đến 13 đôi lá chét hình trứng dài từ 5mm đến 23mm, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn. Cụm hoa màu vàng tươi được mọc thành chùm ở các kẽ lá, dài hơn lá, gồm khoảng 5 đến 22 hoa. Quả giáp mỏng, dẹt, dài 2 – 2,5cm, đường kính 0,9 – 1,2cm đầu dài ra thành hình gai nhọn, trên quả có lông ngắn, 5 – 6 hạt màu đen hình thận. Mùa ra hoa của cây ở Trung Quốc vào khoảng tháng 6 – tháng 7, mùa ra quả vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 (Hà Bắc, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh).
Hoàng kỳ Mông cổ (Astragalus mongholicus Bunge): Giống loại Hoảng kỳ ở trên, nhưng khác ở điểm là lá chét nhỏ hơn, có 12 đến 18 đôi lá chét, tràng hoa dài hơn, quả rộng hơn từ 1,1 -1,5cm, không có lông. Mùa ra hoa vào khoảng tháng 6 đến tháng 7, mùa ra quả vào khoảng tháng 7 đến tháng 9, cũng hay gặp ở những nơi có hoàng kỳ.
II. Thành phần hóa học của Hoàng Kỳ
- Hoàng kỳ có chứa các polysaccharide: Astragalan, saccarose, glucose, tinh bột, chất nhầy, gôm.
- Saponin: Đã phân tách được các astragaloside như astragaloside I, astragaloside II, astragaloside III, astragaloside IV, astragaloside V, astragaloside VI, astragaloside VII, astragaloside VIII, isoastragaloside I, isoastragaloside II, soyasaponin I…
- Flavonoid: 2′,4′ – Dihydroxy – 5,6 – Dimethoxyisoflavane…
- Các acid amin: Choline, Betaine, Acid folic, Sitosterol.
III. Tác dụng của Hoàng Kỳ trong chữa bệnh
Không chỉ được lưu truyền dân gian, tác dụng của hoàng kỳ với sức khỏe con người cũng được y học hiện đại nghiên cứu và chứng minh. Những tác dụng điển hình có thể nhắc tới như: tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa tế bào, ngăn ngừa oxy hóa. Bài thuốc sử dụng hoàng kỳ được nhiều người biết đến nhất là bài thuốc có tác dụng điều trị bệnh thận mạn.
Dược tính của hoàng kỳ có rất nhiều tác dụng tốt cải thiện triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn như:
- Giảm protein niệu:
- Protein niệu là một trong các chỉ số quan trọng được theo dõi ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn do đây là dấu hiệu cho thấy mức độ tổn thương thận. Tác dụng của hoàng kỳ là có thể làm giảm mức độ protein niệu, cải thiện tổn thương và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.
- Các nhà dược liệu cổ truyền đã nghiên cứu áp dụng nhiều bài thuốc, trong đó sử dụng hoàng kỳ kết hợp với đương quy. Kết quả cho thấy sau 12 tuần sử dụng, bệnh nhân có mức độ đạm niệu giảm đáng kể, tiến triển bệnh cũng được làm chậm.
- Giảm lipit máu: Sử dụng hoàng kỳ cũng có tác dụng lên tế bào gan, cải thiện rối loạn chuyển hóa lipid, giảm biến chứng do bệnh thận.
- Chống viêm, điều hòa miễn dịch: Tác dụng này đến từ khả năng ức chế các cytokine gây viêm tại thận và tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ trong các tế bào biểu mô của hoàng kỳ.
- Bảo vệ mô thận, chống lại tổn thương: Một số nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng hoàng kỳ có thể duy trì được eGFR ổn định, trì hoãn việc phải thay thế thận ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4 tiến triển.
- Tác dụng lợi tiểu: Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn sử dụng hoàng kỳ có thể cải thiện lượng nước và natri, tăng lượng nước tiểu.
- Kiểm soát huyết áp: Ở liều dùng thấp, hoàng kỳ có tác dụng làm tăng huyết áp nhẹ, liều lớn hơn 30g mỗi ngày duy trì huyết áp ổn định.
- Tác động làm chậm quá trình sơ hóa:
- Hoàng kỳ và đương quy sử dụng chung tác động lên một chất điều chỉnh có tên là TGF-1, làm chậm quá trình tiến triển xơ hóa thận.
- Với nhiều tác dụng trên, triệu chứng chung của bệnh thận mạn tính sẽ được kiểm soát tốt hơn khi sử dụng hoàng kỳ đúng cách. Tuy nhiên nên sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh, không phải phương pháp điều trị chính.
IV. Những bài thuốc chứa thành phần Hoàng Kỳ
Hoàng kỳ lục nhất thang:
- Chữa toàn thân suy nhược, mệt mỏi, chân ta rã rời, miệng khô, tim đập nhanh, hồi hộp, mặt tái xanh, không muốn ăn uống, đổ nhiều mồ hôi, sốt.
- Hoàng kỳ sao mật 6 phần cùng với cam thảo 1 phần (một nửa dùng sống, một nửa sao). Đem tán nhỏ tất cả thành bột. Ngày uống 3 lần vào sáng, trưa và chiều. Mỗi lần uống 4 – 8g. Có thể dùng sắc uống.
Hoàng kỳ kiện trung thang
- Dùng chữa cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi
- Hoàng kỳ 6g, thược dược 5g, quế chi 2g, cam thảo 2g, sinh khương 4g, đại táo 6g, nước 600ml đem sắc đến khi còn 200ml, thêm một ít mạch nha cho ngọt. Đem chia 3 lần uống mỗi ngày.
Thập toàn đại bổ
- Chữa: Khí huyết bất túc, ho lao, ho khan, ăn kém, di tinh, thắt lưng đau, gối yếu, vết thương lâu lành; phụ nữ bị rong kinh.
- Đảng sâm 150g, bạch truật 100g, phục linh 80g, cam thảo 80g, đương quy 100g, xuyên khung 80g, Bạch thược 100g, thục địa 150g, hoàng kỳ 150g, quế nhục 100g.
V. Lưu ý khi sử dụng Hoàng Kỳ
Hoàng kỳ là loài cây tuy có nguồn gốc thiên nhiên nhưng có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và sử dụng thuốc một cách phù hợp nhất.